21:37 | 26/07/2015

Góc khuất bi ai chuyện diễn viên trầy trật đòi nợ... cát-sê

21
Gần đây, nhiều diễn viên bức xúc lên tiếng vì bị giật tiền cát-sê.

... Với người diễn viên, việc tố nhà sản xuất quỵt tiền, là bước đường cuối cùng để giải quyết. Nguyên nhân của những vụ quỵt cát-sê, một phần bắt nguồn từ việc cạnh tranh thiếu lành mạnh của các hãng phim, dẫn đến hình thành việc sản xuất theo kiểu chân rết, kéo theo nó nhiều hệ luỵ dở khóc dở cười.

Đạo diễn, diễn viên đều méo mặt vì bị “xù” tiền cát - sê?

Đằng sau những vai diễn trên màn ảnh, diễn viên Việt Nam cũng chịu nhiều cảnh ngậm đắng, nuốt cay, mà không phải ai cũng hiểu được. Trong đó, việc bị chặn tiền, quỵt tiền cát-sê khiến nhiều người phải khóc ròng. Chia sẻ về việc bị hãng phim quỵt tiền cát-sê, sau hơn một năm đi đòi mà vẫn không nhận được tiền, diễn viên T.N. (hoạt động nghệ thuật tại TP.HCM) vẫn còn khá ấm ức.

Diễn viên N. kể: "Sau khi đóng phim xong, tôi không nhận được tiền cát-sê. Thấy vậy, tôi đi đòi, thì nhà sản xuất tìm nhiều lý do để tránh gặp. Cuối cùng, khi tôi làm lớn lên, thì họ nói rằng, tôi là diễn viên trẻ, cho cơ hội để diễn xuất là may rồi, ở đó mà đòi hỏi tiền bạc. Nếu tôi đòi tiền hoài thì họ sẽ cho cả giới biết và tôi sẽ không thể tiếp tục đóng phim nữa".

Không chỉ bị nhà sản xuất quỵt tiền, các diễn viên còn thê thảm hơn khi gặp phải các hãng phim “côn đồ”. Chia sẻ về những bức xúc của mình, nam diễn viên trẻ P.T. cho biết: "Khi đến đòi tiền cát-sê, chẳng những hãng phim không trả tiền, mà nhân viên ở đây còn lớn tiếng thách thức đe dọa tôi bằng ngôn ngữ khá chợ búa. Khi tôi tiếp xúc với giám đốc hãng phim, thì ông ta nói rằng bây giờ công ty đang gặp khó khăn, không trả tiền cho diễn viên được. Nếu tôi không hiểu chuyện mà đòi hoài, thì họ không chắc tôi còn giữ được cơ thể lành lặn để tiếp tục đóng phim không".

Nữ diễn viên Dương Cẩm Lynh, người được cho là bị quỵt tiền cát- sê?

Quả thật, tình trạng một vài hãng phim cư xử không hay đối với diễn viên đang dần trở nên phổ biến hơn. Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ, tình trạng diễn viên bị quỵt tiền cát-sê đang tăng nhiều lên như hiện nay, một phần nguyên nhân nằm ở việc nhiều hãng phim làm việc theo kiểu chân rết, khoán tiền qua nhiều đơn vị. Mỗi nơi lại bớt một ít tiền, để có thể hưởng phần tiền chênh lệch.

Chia sẻ về điều này, đạo diễn N.P. chua chát kể: "Tôi là đạo diễn nhưng cũng bị các hãng phim quỵt tiền như thường. Do hãng phim nhận hợp đồng từ các hãng phim khác, khi đến nơi cần nhận, số tiền còn lại khá ít ỏi. Vì thế họ không thể làm phim chất lượng. Khi bị bể vốn, phim không kịp tiến độ, đài cũng không nhận phim. Họ quỵt tiền diễn viên, lẫn đạo diễn. Các diễn viên do tin tưởng tôi, nên khi được tôi mời đóng phim, họ nhận lời ngay và cũng rơi vào tình trạng khó đòi nợ. Sau vụ việc này, uy tín của tôi ít nhiều bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, khi làm ăn với những hãng phim mới, không tên tuổi, tôi luôn từ chối, vì khả năng các công ty này quỵt nợ tương đối lớn".

Nở rộ lối làm ăn chụp giật

Thực tế cho thấy tình trạng diễn viên bị đối xử tệ như quỵt tiền, trả chậm tiền diễn ra khá nhiều. Các hãng phim o ép diễn viên là điều có thực. Điều này cũng xuất phát từ thực tế, có quá nhiều hãng phim "dỏm", làm ăn kiểu chụp giật. Chính vì không có vốn, lại muốn làm liều, nhiều hãng phim không có khả năng chi trả cát-sê cho diễn viên.

Nói về điều này, diễn viên, đạo diễn Minh Béo cho biết: "Một ngày tại TP.HCM đã có 28 đoàn phim, đó là chưa tính các nơi khác. Chính tình trạng dễ làm phim đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều hãng phim. Dù không cần có trình độ, hay thậm chí là uy tín để làm, thậm chí thiếu cả vốn, có những hãng phim không có nổi một tỉ đồng trong nhà băng, nhưng vẫn vỗ ngực có mối quan hệ tốt với nhà đài để có thể nhận làm phim. Điều đó, dễ dẫn tới tình trạng bể show, phá giá, khiến các diễn viên khóc ròng vì không đòi được tiền cát-sê".

Theo diễn viên Minh Béo việc các hãng phim không có vốn xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều, đã khiến tình trạng quỵt cát-sê tăng lên.

Chia sẻ về kiểu làm phim theo dạng chân rết, một trong những nguyên nhân khiến cho các hãng phim bể nợ, xù tiền cát-sê của diễn viên, diễn viên, đạo diễn Minh Béo cho biết thêm: "Từ số tiền nhà đài giao xuống, giá tiền này liên tục bị hạ xuống, chẳng hạn từ 150 xuống 80, 90... đến giá nào thấp nhất, thì người đó giành được phim để sản xuất. Chính vì việc nhận phim với số tiền ít đã dẫn đến tình trạng phim kém chất lượng. Thậm chí, để có lãi, nhiều hãng phim giật luôn cả tiền của diễn viên. Bởi đôi khi để có phim đóng, một số diễn viên và hãng phim chỉ hợp đồng miệng, nên họ khó đòi tiền cát-xê. Thậm chí, dù có hợp đồng, diễn viên vẫn bị quỵt tiền một cách bình thường".

Do việc mở ra các hãng phim quá dễ đã dẫn đến tình trạng các hãng phim giật tiền, làm ăn kiểu chụp giật, rồi mất tích, khiến thị trường phim Việt thêm bát nháo. Diễn viên Phi Thanh Vân cho biết: "Để đóng phim diễn viên phải tự lo quần áo, ăn uống, chi phí xăng xe... Tuy nhiên, diễn viên cũng rơi vào nhiều cảnh bị chèn ép. Chẳng hạn, quay nhiều nhưng chỉ tính một phân đoạn để không trả tiền cho diễn viên. Thậm chí, sau khi quay xong, hãng phim mất tích. Nhiều hãng thậm chí còn mượn diễn viên để đóng, trả tiền chậm, hoặc không trả tiền, rồi lấy tiền từ các nhà đài và biến mất. Cách làm này khiến nhiều diễn viên bị lừa và ngày càng mất lòng tin".

Trong khi đó, đời sống của diễn viên Việt vẫn còn xếp ở mức khá bấp bênh. Số lượng diễn viên sống được với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để tiếp tục làm nghề, các diễn viên phải duy trì, làm thêm nhiều nghề khác để có tiền bươn chải cuộc sống. Và khi bị giật tiền cát-sê, họ chỉ biết ngậm ngùi, diễn viên Bá Thắng cho biết: "Khi bị các hãng phim quỵt tiền, nhiều diễn viên vẫn không thể làm gì. Bởi với nhiều người, họ quen tính nghệ sỹ nên không thích kiện cáo. Diễn viên chỉ có thể biết và tránh những công ty như vậy. Bởi nếu có kiện, họ phải mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể đến việc các công ty khác biết nghệ sỹ kiện cáo cũng sẽ dè chừng, e ngại khi mời người đó đóng phim".

Có lẽ, chính những yếu tố trên đã khiến cho các hãng phim được dịp quỵt tiền cát-sê, cư xử côn đồ đối với diễn viên. Chia sẻ về vấn đề này, thạc sỹ Hồ Tương Lan, chuyên gia nghiên cứu văn hóa tại TP.HCM cho biết: "Thị trường phim Việt đang phát triển xô bồ... Để ngăn chặn tình trạng bát nháo này, cần phải có một chính sách cụ thể, để bảo vệ những người làm nghệ thuật. Bên cạnh đó, cũng góp phần nâng cao chất lượng phim. Nếu không, phim Việt không thể cất cánh và đời sống diễn viên vẫn nghèo. Còn những người hưởng lợi thì vẫn ung dung đẩy chất lượng phim Việt đi xuống".

Nguồn: Đời sống và Pháp luật
Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...