21:00 | 17/09/2022

Tống Diệu Hằng: "Gặp gỡ Đà Lạt" và những bước đầu tiên trong cuộc chơi giám tuyển

Tintuc - Tống Diệu Hằng là một fashionista có tiếng, đồng thời cô cũng có nền tảng về nghệ thuật. Vì thế, việc cô đảm nhiệm vai trò giám tuyển tại triển lãm đầu tay “Gặp gỡ Đà Lạt" không làm giới mộ điệu bất ngờ. Đó là điều phải đến.

Triển lãm “Gặp gỡ Đà Lạt” được đặt trong không gian thơ mộng, lãng mạn của Ana Mandara Villas Dalat. Giám tuyển Tống Diệu Hằng mô tả về các tác phẩm: “Đề tài là rất nhiều hoa cho thành phố ngàn hoa.” Tống Diệu Hằng đơn giản là thế, nhưng các tác phẩm được cô lựa chọn để đặt vào “Gặp gỡ Đà Lạt" không hề giản đơn chút nào. Đa hình sắc, đa chất liệu - đó là 40 tác phẩm nghệ thuật của 8 họa sĩ nổi tiếng: Lê Thiết Cương, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Hồng Phương, Phương Bình, Phạm Trần Quân, Trần Giang Nam, Hoàng Phương Liên và Trần Quốc Long.

Được biết Tống Diệu Hằng đã đi nhiều nơi trên thế giới, là “người quen mặt" trong nhiều sự kiện lớn về thời trang, nghệ thuật. Điều đó có giúp gì cho chị trong vai trò mới là giám tuyển nghệ thuật tại “Gặp gỡ Đà Lạt"? 

Điểm chung của các loại hình nghệ thuật là đều hướng đến cái đẹp, đưa cái đẹp đến với công chúng. Chẳng hạn, nếu thiết kế một bộ sưu tập thời trang thì cũng cần mang được lên sàn diễn hay đến người thưởng ngoạn. Hội hoạ cũng vậy, không ai vẽ xong bức tranh rồi bọc kín vào trong tủ, nếu vậy thì đó chưa phải là bức tranh. Một quyển sách chỉ có thể là quyển sách khi đã được in, xuất bản và đưa vào đời sống. 

Việc đã từng đi đến nhiều nước, đến thăm những bảo tàng, được dự những buổi triển lãm và bản thân tôi cũng là một người sưu tập tranh - điều đó giúp tôi không bị bỡ ngỡ. Tôi nghĩ, ai cũng đã là “giám tuyển” của riêng mình, cho bộ sưu tập của chính mình. 

Trong những ngày diễn ra triển lãm “Gặp gỡ Đà Lạt”, hiện chị cảm thấy như thế nào? Chị đã có sự chuẩn bị gì trước vai trò mới và có tính đặc thù: một giám tuyển nghệ thuật? 

Lần đầu tiên, luôn mang lại cảm xúc đặc biệt. Từ khi trò chuyện với các nghệ sĩ trước khuôn khổ triển lãm, cho tới lúc gặp gỡ người yêu nghệ thuật, các nhà sưu tập, những cảm xúc đặc biệt trong tôi cứ tăng dần theo thời gian. 

Chính vì yêu thích hội hoạ, gặp gỡ rất nhiều nhà sưu tập cả ở trong nước và thế giới, vì thế trong tôi đã hình thành ý muốn được làm giám tuyển, được tổ chức triển lãm.

Giám tuyển là cây cầu nối giữa nghệ sĩ ở bờ bên này và công chúng, người yêu nghệ thuật và các nhà sưu tập ở bờ bên kia, để mọi người xem xong thấy câu chuyện gì ở đấy.

Tiêu chí của chị để chọn lựa tác phẩm đưa vào triển lãm “Gặp gỡ Đà Lạt” là gì? 

Đầu tiên là phải đẹp. Nhưng cái đẹp đó phải phù hợp với concept tôi đưa ra, mà chữ “gặp gỡ” ở đây bao hàm nhiều nghĩa. Đó là cuộc gặp gỡ của các nghệ sĩ đến từ nhiều vùng miền khác nhau; là cuộc gặp gỡ của các chất liệu phong phú. Và đề tài là rất nhiều hoa cho thành phố ngàn hoa.

Trong triển lãm “Gặp gỡ Đà Lạt", chị có ấn tượng đặc biệt với tác giả nào không? 

Tất nhiên tôi phải thích tất cả những nghệ sĩ mà mình đã chọn, nhưng vì trang báo có hạn nên tôi chỉ kể hai họa sĩ.

Họa sĩ Phương Bình có bút pháp sơn mài rất hiện đại. Những nét, mảng vẽ của chị rất tung tẩy, bay bổng, phóng khoáng và đầy tự do… Nhân vật chính trong tranh là phụ nữ và những bông hoa đang bay trên cơ thể, vì phụ nữ là biểu tượng của cái đẹp và đó cũng là một “loài hoa” lồng ghép vào cơ thể của người phụ nữ đồng hiện ở trong nhau. 

Họa sĩ Phạm Trần Quân với 4 bức hoa, có thể gọi là thể loại tĩnh vật hoa. Nhưng khi xem kỹ, tôi thấy anh đang đi tìm một lối trong con đường biểu hiện trừu tượng. Bạn vẫn nhìn thấy hình của những bông hoa, thậm chí có thể hình dung hoa đang cắm ở trong một cái lọ gốm, đặt trên một cái mặt bàn, nhưng đó là bạn đang hình dung thôi. Phạm Trần Quân không cụ thể về điều đó, và cả 4 bức đều không rõ là hoa gì. Chẳng hạn như bức tím, cảm giác như anh đang hứng khởi vẽ một bình hoa violet, nhưng không sao chép hoa vào trong tranh mà chỉ lấy cảm hứng từ sắc tím để vẽ bức tranh này.

Tống Diệu Hằng tại triển lãm "Gặp gỡ Đà Lạt"

Được biết các tác phẩm trong triển lãm “Gặp gỡ Đà Lạt” rất được yêu thích, thậm chí, được “đặt hàng” trước khi khai mạc. Chị muốn định hình là một giám tuyển thiên về việc bán tranh nhiều hơn, hay đó là mong muốn tạo ra các cộng động nghệ thuật mới? 

Đương nhiên tôi phải làm tốt nhất trong khả năng của mình để thu hút được sự quan tâm của công chúng đến với triển lãm, mong muốn tạo ra được một cộng đồng nghệ thuật mới, mang nghệ thuật đến gần hơn với đời sống. Việc các nhà sưu tập thưởng lãm và muốn mua thì đó là việc đến sau. Nó là kết quả của việc đã làm hết mình trước đó. 

Cực kỳ đa năng trong thời trang và nghệ thuật, không biết Tống Diệu Hằng muốn được nhìn nhận dưới vai trò nào? Tôi rất mong được nghe những dự định sắp tới của chị. 

Tôi nghĩ rằng, thời trang và việc làm giám tuyển là hai công việc bổ trợ, tương tác lẫn nhau chứ không loại trừ nhau. Tôi muốn là một người thời trang yêu nghệ thuật và là một người nghệ thuật yêu thời trang.

Sau khi được cộng đồng yêu nghệ thuật phản hồi tốt, khiến tôi - một người luôn thức thâu đêm với nhiều ý tưởng, đang tràn đầy năng lượng và hứng khởi để thực hiện hoá nó. Tôi đang tập trung cho triển lãm tiếp theo vào cuối năm nay với 100 tác phẩm, sau đó, sẽ là sự kết hợp giữa hội hoạ và thời trang vào mùa hè năm sau.

Cảm ơn Tống Diệu Hằng về những chia sẻ chân thành! 

Photo: Tang Tang
Trang phục: Công Trí  - Patou (Labels)
Make up: Ruan Dang
Stylist: Chi Lemon 
 

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...