06:00 | 09/08/2019

Hoàng Thùy Linh lại gây tò mò với “Tứ Phủ”

Tintuc - “Tứ Phủ là tiếp nối của những gì ngông cuồng, kì quặc nhất bên trong tôi” – Hoàng Thuỳ Linh

Hoàng Thuỳ Linh chẳng dám ngờ đến một ngày mình và những người cộng sự có thể mang không gian hùng tráng, linh thiêng nơi cõi thực của một tín ngưỡng nội sinh mang đậm sắc Việt vào một bài hát. Tứ Phủ không còn đơn thuần là một MV, mà là một niềm tự hào của toàn thể những người làm ra nó suốt một năm ròng.

Đã gần 2 tháng trôi qua kể từ khi Để Mị nói cho mà nghe được phát hành và gặt hái những kết quả mỹ mãn mà chính bản thân Hoàng Thuỳ Linh cũng không nghĩ tới, hôm nay cô ca sĩ khả ái này lại được gửi đến một sản phẩm mới hoàn thành cách đây chưa đầy 24 giờ đồng hồ – Tứ Phủ.

Có thể xem Tứ Phủ là một bước đi dài hơn, khó hơn, là một sự thăng hoa của những gì mà Bánh Trôi Nước đã mang lại. Đây là bài hát có thời gian thai nghén lâu nhất của Hoàng Thuỳ Linh, đến tận một năm trời từ khi những ý nghĩ đầu tiên được manh nha. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã mất đến tận 3 tháng để hoàn thành phần giai điệu, nhà thơ Ngân Vi mất 4 tháng để viết lời, Triple D và Long Halo tốn thêm 5 tháng nữa để phối khí, cộng lại ngót nghét đã một năm.

Hoàng Thùy Linh tâm sự:

“Rất nhiều lần tôi cũng sốt ruột, cũng có khi nản lòng, chẳng lẽ những gì mình muốn làm lại khó khăn đến vậy. Nhưng rồi thì bạn biết đấy, ai cũng phải lao động và có một mục tiêu cho mình. Mục tiêu lớn ngắn hạn với tôi trong 3 năm qua chính là Tứ Phủ, cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành rồi dù nó có lâu hơn mình dự tính rất nhiều. Không chỉ vậy, nó còn là điểm bật để đưa tôi quyết liệt hơn với những dự định khác.

Tuy nhiên, tôi không xem Bánh Trôi Nước là áp lực hay khuôn mẫu mà mình phải làm theo hay vượt qua. Ý tưởng về Tứ Phủ ra đời đơn giản vì một Bánh Trôi Nước chưa đủ để thể hiện hết nét đẹp của phụ nữ Việt Nam. Chúng ta ngưỡng mộ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, hay chị Võ Thị Sáu vì những cống hiến và hy sinh được ghi tạc của họ dành cho dân tộc, cho đất nước. Nhưng, trong văn hoá dân gian, trong những chuyện kể của Việt Nam hay cả trong những huyền tích của tín ngưỡng, đạo giáo, vẫn còn rất nhiều những người phụ nữ ít được nhớ mặt, biết tên. Trong lúc tìm tòi, tôi được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ một huyền tích của đạo Mẫu về một vị thánh Cô đã giúp vua Lê kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ngày ngày đợi chờ đợi người quân tử nhưng duyên phận éo le, đến khi thác hoá vẫn một lòng trung trinh, son sắt. Dù là một câu chuyện có đoạn kết dang dở, đau buồn với người phụ nữ nhưng người đời cũng kháo nhau rằng, vị thánh cô kia vốn là người nhà trời, giáng thế để giúp vua giữ nước, khi tròn trách nhiệm thì cũng là lúc cô rời khỏi thế gian để về với cửu trùng thiên.

Tôi cảm thấy nghẹt thở vì câu chuyện ấy, vì nét đẹp vĩ đại của người phụ nữ đã vượt ra khỏi những khuôn mẫu thông thường. Phụ nữ muôn đời vẫn có những giá trị của riêng họ. Đặc biệt là phụ nữ Việt, dù có ở thời đại nào, không gian nào thì vẫn “giữ tấm lòng son”. Tôi như mạnh mẽ hơn khi quyết tâm đưa câu chuyện từ huyền tích trên vào một bài hát đương đại. Nếu Để Mị Nói Cho Mà Nghe là tiếng hát tươi vui, tự do của thân phận một người phụ nữ muốn xóa bỏ xích xiềng thì hình tượng siêu thực trong Tứ Phủ kéo ta về với những căn tính đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam, trung trinh với chồng, tiết liệt với non sông. Đâu phải ngẫu nhiên mà sau bao nhiêu sóng gió thăng trầm của lịch sử, thờ mẫu vẫn trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc. Đó không chỉ là đức tin, mà còn là một bản sắc văn hoá dân tộc nội sinh, một di sản văn hoá phi vật thể đã được thế giới công nhận. Càng dấn thân, tôi càng cảm thấy bản thân mình và những người cộng sự như cá gặp nước. Tôi muốn mang nét đẹp văn hoá vừa có tính lịch sử, vừa cộng hưởng tinh hoa thời đại ấy vào ca khúc của mình, như một lời khẳng định rằng người Việt có rất nhiều điều để tự hào. Nếu xem Bánh Trôi Nước là tấm bản đồ thì với Tứ Phủ, tôi như tìm thấy chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa bước vào ngôi đền chứa đầy huyền tích văn hóa dân gian.

Anh Hồ Hoài Anh, Ngân Vi, Triple D, Long Halo hay NTK Công Trí, Biên đạo múa Tấn Lộc, stylist Hoàng Ku, nghệ sĩ thị giác Tùng Monkey, DOP Hà Thúc Phù Nam và ekip Blaze… những người đã dấn thân vào quá trình “sinh nở” Tứ Phủ chính là một ekip trong mơ đối với Hoàng Thuỳ Linh. Ca khúc được xây dựng trong một năm trời nhưng quá trình thực hiện MV chưa đến 10 ngày, với những thành quả mà chúng tôi có thể xem là di sản của đời mình. Khi ngỏ lời với NTK Công Trí, dù anh rất bận rộn với dự án thời trang tại New York nhưng vẫn đồng ý dành thời gian những ngày ít ỏi về Việt Nam để thực hiện trang phục cho Tứ Phủ. Bộ áo cầu kì với từng hạt ngọc được nạm thủ công khi mặc lên người không chỉ nặng về khối lượng mà còn mang nặng sự tin tưởng anh Trí dành cho sản phẩm của tôi. Anh Tấn Lộc hay Tùng Monkey cũng không ngoại lệ, họ đều là những nghệ sĩ tài hoa với những tiêu chuẩn giá trị của riêng mình mà nếu tôi không đáp ứng được thì sẽ chẳng có một sự hợp tác nào cả. Chỉ vỏn vẹn 3 ngày, mọi khâu chuẩn bị từ biên đạo đến hiệu ứng sân khấu đều hoàn thành xuất sắc. Tôi còn nhớ khi tôi và Tùng Monkey chọn lựa trong hàng trăm concept, chúng tôi như lạc vào không gian vô cực nào đấy tưởng như không lối thoát nhưng cuối cùng, lối thoát lại chính là vô cực. Những hình ảnh không có điểm dừng, sự nhân rộng hiệu ứng thị giác khiến cho phần hình của Tứ Phủ chạm được đến cốt lõi của phần nhạc, hoà quyện vào nhau như một sản phẩm vốn sinh ra đã phải là như thế. Khi những thước phim cuối cùng hoàn thành, tôi tin rằng tất cả chúng tôi có thể tự hào vì đã là cộng sự của nhau.

Có thể đối với nhiều người, Tứ Phủ như một thế giới khác với Để Mị nói cho mà nghe, là một sản phẩm cầu kì, xa lạ với khán giả trẻ – những người đã yêu mến cô Mị nhiều nhất trong 2 tháng qua. Tôi thấy sự khác biệt nhưng không xem đó là cản trở. Ngược lại, tôi cho rằng Để Mị Nói Cho Mà Nghe là một chiếc cầu nối, là cơ hội tuyệt vời để tôi được đến gần hơn với lứa khán giả trẻ mà khi đã đến gần rồi, tôi mang cho họ những điều gì. Nói nôm na thì Để Mị Nói Cho Mà Nghe là tiếng nói vượt thoát còn Tứ Phủ là một cuộc về nguồn. Tất cả đều là những trăn trở về nghệ thuật của Hoàng Thùy Linh.

Tứ Phủ như đúng tên gọi của bài hát, đại diện cho bốn phủ Thiên (trời), Địa (đất), Thoải (nước), Nhạc (rừng), là một thế giới bao la và kì vĩ của văn hoá dân gian nội sinh Việt Nam mà giới trẻ cần được biết đến. Tôi không tự cho mình có sứ mệnh gì cao đẹp, đơn giản là Hoàng Thuỳ Linh đang nắm bắt cơ hội để mang những thứ rất Việt Nam ấy đến cho người trẻ.

Sở dĩ tôi quyết liệt phải ra mắt MV vào 8 giờ tối ngày 8 tháng 8 năm nay là vì tôi muốn tôn trọng sự tin tưởng của mình. Hoàng Thuỳ Linh sống rất duy tâm, cô ấy có đức tin và mạnh mẽ cũng nhờ biết tin tưởng vào những giá trị đẹp. Nếu không duy tâm, có lẽ tôi đã không vượt qua được những khúc ngoặt kinh khủng nhất trong quá khứ. Thế nên, tôi muốn Tứ Phủ vừa là câu trả lời cho những kỳ vọng mà công chúng từng dành cho Bánh Trôi Nước, vừa là sự thăng hoa trong chương tiếp theo của cuộc đời mình. Hay cá nhân hơn nữa, câu chuyện của người nữ trong Tứ Phủ cũng phần nào phảng phất con người Hoàng Thuỳ Linh bây giờ. Tôi không còn thừa năng lượng để yêu đương nữa, đã đến lúc tôi cần tập trung làm những việc mà cuộc đời vốn sắp đặt cho tôi. Sau Tứ Phủ sẽ còn nhiều những mục tiêu mà tôi phải hoàn thành trong năm nay, một album phòng thu thứ ba thực sự phản ánh cái ngông cuồng và lạ kì nhất bên trong Hoàng Thuỳ Linh chờ đến ngày bộc phá.”

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...