10:30 | 21/11/2021

Đồng hành cùng các Nhà giáo Việt Nam trên không gian số, TikTok tổ chức buổi phát trực tiếp giúp thầy cô trở thành người bạn lớn của trẻ

Tintuc - Buổi phát trực tiếp tập số 3 thuộc chiến dịch Vaccine Số – “Để giáo viên là người bạn lớn của trẻ” vào 20:00 tối thứ Bảy, ngày 20/11 trên kênh TikTok LIVE Việt Nam, Fanpage TikTok, Fanpage MSD Việt Nam và Fanpage Lan Tỏa Yêu Thương vừa qua thu hút những phản hồi tích cực từ đông đảo người xem.

Các khách mời gồm ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), ông Trần Thành Nam – PGS TS chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng và Thầy Kiên – Nhà sáng tạo nội dung TikTok đã cùng thảo luận về những ảnh hưởng của công nghệ/Internet đối với học sinh và khó khăn của thầy cô trong trong việc đồng hành, bảo vệ sức khoẻ tinh thần của học sinh. Từ đây, nhiều cách giải quyết đã được khách mời gợi ý, với mong muốn giúp các thầy cô thực sự trở thành người bạn lớn của trẻ trong cuộc sống số.

Buổi phát trực tiếp “Để giáo viên là người bạn lớn của trẻ” diễn ra ngày 20.11 đã khép lại chuỗi 3 tập phát sóng trực tiếp thuộc chiến dịch Vaccine Số.

Những ảnh hưởng của công nghệ/Internet đến sức khoẻ tinh thần của học sinh

Sau khi khởi động với những thử thách nhỏ, các khách mời của chương trình đã một lần nữa nhìn nhận rõ hơn về ảnh hưởng của công nghệ/Internet tới sức khoẻ tinh thần của thanh thiếu niên. Ai cũng hiểu rõ rằng không chỉ bố mẹ hay gia đình mà các thầy cô – những người đang ngày ngày đồng hành cùng học sinh cũng cần phải thay đổi để bắt nhịp “sống số” cùng các em. Chia sẻ về những thay đổi này, thầy giáo Kiên – vốn là một giáo viên dạy Toán nhiều năm kinh nghiệm cho biết: “Tình hình dịch bệnh căng thẳng, công nghệ trở thành công cụ chính giúp tôi tiếp tục công việc truyền tải kiến thức trực tuyến đến các em học sinh. Thú thực ban đầu cũng có những bỡ ngỡ, cảm thấy bị ‘ép buộc’ phải thích ứng nhưng dần dà bắt nhịp, tôi thấy được lợi thế của công nghệ trong việc giảng dạy trực tuyến.

Bên cạnh đó không gian số cũng đã mở ra nhiều cơ hội, giúp tôi tương tác với các em hơn, một trong số đó chính là tham gia TikTok. Kéo gần khoảng cách với học sinh, khiến các em thấy mình cũng ‘sống số’ và từ đó, các em dễ dàng tương tác và mở lòng với mình hơn chính là mục đích của tôi”.

“Tôi thấy được lợi thế của công nghệ trong việc giảng dạy trực tuyến”, Thầy Kiên chia sẻ.

Song song với việc tìm cách để học sinh mở lòng tâm sự với mình, các thầy cô cũng cần để ý đến những dấu hiệu về ảnh hưởng của công nghệ và internet với học sinh. Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) giải thích rõ hơn về vấn đề này như sau: “Sử dụng công nghệ quá đà, mất kiểm soát sẽ gây nên hệ quả phụ thuộc, hay còn gọi là “nghiện”. Một khi đã ‘nghiện’ (nghiện game, nghiện mạng xã hội,…), các em dành hết sự tập trung vào đó, dẫn đến lơ là các việc xung quanh như học tập, rèn luyện sức khoẻ hay tương tác trực tiếp với mọi người xung quanh… Điều này ảnh hưởng không hề tốt đến sức khỏe tinh thần cũng như sự phát triển lành mạnh của các em.

Một số biểu hiện dễ thấy khi các em ‘nghiện’ điện thoại hay Internet có thể kể đến bỏ ăn, thiếu ngủ, mệt mỏi trong giờ học… (về thể chất); hay mất tập trung, sa sút học tập, bứt bối căng thẳng khi không được dùng điện thoại… (về tinh thần)”.

Bà Nguyễn Phương Linh cho biết: “Sử dụng công nghệ quá đà, mất kiểm soát sẽ gây nên hệ quả phụ thuộc, hay còn gọi là ‘nghiện'”.

Ngoài ra bà Linh cũng cảnh báo một số rủi ro trên không gian mạng như bắt nạt mạng, thông tin độc hại, thử thách nguy hiểm, trò chơi khăm và lừa bịp, tin giả và tin sai lệch… Theo bà Linh, trong những trường hợp này, nếu không được định hướng tốt, trẻ sẽ dễ dàng bị tác động tiêu cực và tổn thương bản thân, thậm chí có những trường hợp đáng tiếc đã dẫn đến tự tử khi không có sự can thiệp kịp thời của người lớn.

Nhắc đến bắt nạt qua mạng – một trong những vấn đề nhức nhối được cả phụ huynh và giáo viên quan tâm, ông Trần Thành Nam – PGS TS chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng đã nói rõ hơn về những tác động tâm lý của tình trạng này tới trẻ: “Trước hết chúng ta phải hiểu thế nào là bắt nạt trên mạng. Bắt nạt trực tuyến mạng là hành vi cố tình xúc phạm, đe doạ, làm hại, quấy rối, tấn công hay loại trừ (tẩy chay) một người khác bằng việc sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số.

Trẻ bị bắt nạt trực tuyến có thể bị gửi, đăng hoặc chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin riêng hoặc các nội dung tiêu cực, có hại, sai sự thật gây ra sự xấu hổ hoặc gây mất uy tín đối với trẻ em. Bắt nạt trên mạng có thể diễn ra trên Internet như các trang mạng xã hội, các phòng trò chuyện, các hòm thư điện tử hoặc trên điện thoại di động, thông qua dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS) và các ứng dụng tin nhắn tức thời, các cuộc gọi quấy rối, các video và hình ảnh trên điện thoại di động…”.

PGS TS Trần Thành Nam giải thích hệ lụy nguy hiểm của bắt nạt mạng tại buổi phát trực tiếp.

Từ khái niệm này, ông Nam đã giải thích thêm về những hậu quả kéo dài có thể ảnh hưởng đến trẻ như: Cảm thấy khó chịu, xấu hổ, ngu ngốc, thậm chí tức giận (về mặt tinh thần); cảm thấy xấu hổ hoặc mất hứng thú với những điều từng yêu thích (về tình cảm); mệt mỏi, mất ngủ hoặc gặp các triệu chứng như đau bụng và đau đầu (về mặt thể chất).

“Xấu hơn, nạn nhân sẽ cảm thấy không thể chia sẻ với ai khác, thậm chí không cố gắng để giải quyết vấn đề. Trong những trường hợp nghiêm trọng, một người bị bắt nạt, đe dọa trực tuyến có thể dẫn đến hành vi tự kết liễu cuộc sống” – Ông Nam cũng cảnh báo tình huống xấu nhất khi trẻ bị tác động tâm lý bởi bắt nạt mạng.

Làm sao để thầy cô trở thành người bạn lớn của trẻ?

Với những chia sẻ của bà Phương Linh và ông Thành Nam, các khách mời đều đồng tình rằng một trong những cách làm giảm tác động tâm lý của công nghệ/ internet đến trẻ chính là thầy cô phải trở thành người bạn lớn của trẻ trong môi trường số. Ông Nam khẳng định: “”Để trẻ có thể chia sẻ với mình thì trước tiên giáo viên cần trở thành một chỗ dựa đáng tin cậy, trẻ có thể an tâm tìm đến để tâm sự như một người bạn lớn chứ không phải là người sẽ xét nét, bắt bẻ hay áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ”. Đi kèm theo đó, ông Nam đưa ra ví dụ về việc kết bạn với trẻ như thay vì bắt ép trẻ phải bỏ điện thoại xuống để ra ngoài vận động, thầy cô có thể “nhờ” trẻ hướng dẫn cách để có thể tham gia vào môi trường số, dùng mạng xã hội. Từ đó thân thiết và dễ dàng nói chuyện với trẻ hơn.

Là giáo viên thường hoạt động trên môi trường số, thầy Kiên cũng có riêng cho mình những kinh nghiệm trong việc trở thành một người bạn lớn của học sinh. Thầy Kiên tâm sự: “Thầy cô luôn sẵn sàng tham gia vào bất cứ ‘mặt trận’ nào để bảo vệ trẻ em, bao gồm cả cuộc chiến trước những nguy hại trên không gian mạng. Thậm chí nếu coi đây là một đại dịch thì thầy cô sẽ là những y bác sĩ sẽ tiêm cho các em những ‘liều vaccine’, giúp các em ‘miễn dịch’ với những virus độc hại này. Cũng chính từ đây, thông điệp 5K với tôi luôn mang một ý nghĩa khác:

Khẩu trang: Thầy cô là lá chắn cứng bảo vệ các em.

Khử khuẩn: Thầy cô giữ vai trò sàng lọc thông tin độc hại trước khi đến tới các em.

Khoảng cách: Thầy cô tạo hành lang an toàn cho các em khỏi những thử thách nguy hiểm.

Không tụ tập nơi đông người: Thầy cô giáo dục các em không bắt chước đám đông tham gia thử thách nguy hiểm hay bắt nạt bạn bè trên không gian mạng.

Khai báo y tế: Thầy cô khuyến khích các em minh bạch và cởi mở những câu chuyện sống số để phát hiện nguy hiểm kịp thời”.

Còn theo ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam, nếu muốn giúp đỡ trẻ trên môi trường số, các giáo viên cũng cần được trang bị kiến thức sớm và đầy đủ như từ bộ cẩm nang Teacher Safety Toolkit – Bộ công cụ An toàn cho Giáo viên. Đây chính là một trong những nỗ lực của TikTok trong việc xây dựng môi trường số an toàn cho thanh thiếu niên. “Ngoài ra, TikTok luôn có những công cụ, tính năng mà các thầy cô có thể hướng dẫn các bậc phụ huynh hay các em sử dụng để tạo một thói quen và trải nghiệm sống số lành mạnh, bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân. Giáo viên, phụ huynh và các em có thể truy cập vào Trung tâm An toàn của TikTok để tìm hiểu thêm về các tính năng, công cụ và nguồn lực này” – ông Thanh cho biết thêm.

“Nếu muốn giúp đỡ trẻ trên môi trường số, các giáo viên cũng cần được trang bị kiến thức sớm và đầy đủ”, theo ông Nguyễn Lâm Thanh.

Tóm tắt lại chia sẻ của các khách mời, bà Linh rút ra phương pháp giúp thầy cô kết nối với học sinh và bảo vệ các em trước những tác động tiêu cực của công nghệ/Internet: “Là giáo viên, các thầy cô cần chủ động chỉ cho học sinh phân biệt thông tin tốt và thông tin độc hại, dặn các em không được cung cấp các thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, ngoài đời lẫn trên mạng. Đặc biệt nhà trường và giáo viên nên tổ chức những buổi giao lưu, hướng dẫn phụ huynh Quản lý thời gian truy cập và Kiểm soát nội dung truy cập của trẻ…”.

Không thể phủ nhận những tác động tích của công nghệ/Internet nhưng bên cạnh đó, đây cũng là môi trường có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý của thanh thiếu niên. Vì vậy ngoài sự quản lý và theo dõi của bố mẹ và gia đình, các thầy cô – những người tiếp xúc hàng ngày với các em cũng cần góp sức bảo vệ học sinh của mình. Và một trong những cách ngắn nhất, thực tế nhất chính là trở thành “người bạn lớn của các em”, hỗ trợ các em bằng cách nhẹ nhàng, gần gũi chứ không phải cưỡng ép, cấm đoán. Đây chính là mục đích của “Để giáo viên là người bạn lớn của trẻ” – buổi chia sẻ, nâng cao nhận thức cộng đồng thuộc phần kết của chiến dịch Vaccine Số từ TikTok.

Trong tương lai, vẫn còn vô vàn thách thức cho các phụ huynh, giáo viên, các nền tảng, các tổ chức và chính các thanh thiếu niên trong việc “sống số” an toàn. Hơn hết, cần sự chung tay của toàn thể xã hội để lan toả những giá trị tích cực, tạo ra môi trường lành mạnh trên các nền tảng nói riêng và đời sống thực nói chung.

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...