09:21 | 01/09/2016

Gái quê

Tapchisaoviet - Gái quê vẫn mãi còn một cục quê to tướng ở trên lưng với nỗi nhớ về chiếc bánh tráng non dại của mối tình đầu, vẫn mãi là kẻ si tình, mơ mộng, ngu ngốc quê mùa năm xưa.

Tặng Người nổi tiếng của tôi.

Tiếng vỗ tay reo vang khi Ban tổ chức Hội thi “Bài ca không quên” công bố đến giải nhất đơn ca. Ca khúc “Mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với những ý thơ của dịu dàng của nhà thơ Nga Elena Superman do tôi trình bày đã được ban giám khảo cho điểm tối đa. Điều đó cũng không phải là ngẫu nhiên, tôi đã đam mê âm nhạc từ khi còn là một cô bé: nhảy múa, ca hát, nghe nhạc cổ điển, chơi ghi-ta… vốn quen thuộc với tôi như máu chảy trong huyết quản vậy. Tôi đã biễu diễn rất nhiều, ở khắp nơi, trong các phong trào của đội thiếu niên, đoàn thanh niên, nhóm thanh niên xung kích…những nơi tôi đã đến học. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi bật khóc trong khi hát như mình chính là cô gái trong bài thơ được phổ nhạc, có lẽ vì thế ban giám khảo đã cho tôi đoạt được giải cao nhất của cuộc thi.

Tôi bước ra sân khấu, trông thật lộng lẫy trong ánh đèn lung linh huyền ảo, phía dưới khán đài, phải có đến hàng trăm người tham dự để xem thông tin của đêm chung kết. Trong khi nhận hoa chúc mừng và chờ đợi nhận giải thưởng, tôi đưa mắt quanh khán đài để tìm kiếm một bóng hình, mặc dù vẫn biết chắc chắn rằng không bao giờ chàng có thể đến được nơi đây.

Từ sau khi đoạt giải, tôi trở nên nổi tiếng hơn, không chỉ riêng trong lĩnh vực ca hát. Mỗi khi xuất hiện trước công chúng, tôi vẫn luôn mong mỏi được nhìn thấy chàng, mặc dù có biết bao nhiêu anh hùng hảo hớn tặng hoa chúc mừng ở xung quanh.

Nàng hết sức duyên dáng. Lần đầu gặp mặt, tôi đã thấm thía ca từ của bài hát “Ngày em đến”: ..làm si mê bao gã si tình, làm cho anh nhức nhối tâm hồn, buồn miên man thao thức suốt đêm khuya…

Dù đã có gia đình và không còn trẻ để không phân biệt được những mối quan hệ chằng chịt giữa tình yêu và hôn nhân, tôi vẫn bị cuốn vào tiếng cười trong trẻo, tiếng bước chân nhanh nhẹn, những lời nhã nhặn, chân tình, đôi mắt huyền bí, khi long lanh, khi u buồn hướng về chốn xa xăm của nàng. Giữa cuộc đời đầy sóng gió, nàng luôn có những cử chỉ nhu mì, những hành động đầy lòng trắc ẩn bất ngờ… Tất cả chúng quyện trong con người nàng, tạo nên một phong thái vừa trang nhã, vừa sang trọng nhưng thân thiết và thật gần gũi. Khi nàng xuất hiện trước đám đông, nhất là khi nàng cất tiếng hát, tôi đã từng nghĩ: chắc những con sơn ca cũng phải ghen tị với giọng hát trầm ấm, êm dịu của nàng…

Nàng không giống với bất kỳ ai xung quanh và tất cả những câu chuyện của nàng như một cuốn tiểu thuyết ly kỳ trong trái tim tôi. Mỗi khi tôi trở về nhà, mọi thứ xung quanh tôi chẳng còn giá trị, chỉ có những ký ức về nàng bồng bềnh… bồng bềnh… Tôi đã yêu chăng?

Ngày qua ngày, hình ảnh của nàng ở trong tôi càng lớn. Một hôm, tôi nhận ra: với tôi, nàng là tất cả.

Mặc dù đã có một gia đình êm ấm, tôi vẫn luôn mong mỏi được nhìn thấy nàng mỗi ngày trong suốt quãng đời còn lại của tôi, không biết có bao nhiêu gã đàn ông đơn độc cũng ngưỡng mộ nàng giống như tôi?...

Tôi sinh ra và lớn lên nơi một làng quê nghèo, người dân kiếm sống bằng nghề làm ruộng, nuôi gà, mò cua, bắt ốc… qua ngày. Từ nhỏ, chúng tôi đã quen với tất cả các công việc đồng áng, từ những công việc mùa màng của nhà nông như gieo mạ, cấy lúa, cày bừa, xay lúa, giã gạo… cho đến làm vườn, nuôi gia súc. Mặc dù vậy, mẹ tôi vốn không cam chịu cuộc sống lam lũ của người nhà quê nên bà nuôi hi vọng sẽ có một ngày chúng tôi rời nhà quê để lên thành phố. Với mơ ước đó, ngoài công việc đồng áng, bà tạo mọi điều kiện cho chúng tôi học cách tồn tại trong thế giới của những người giàu có: cầm- kỳ- thi- họa, công- dung- ngôn- hạnh... chúng tôi đều phải am hiểu và tự rèn luyện. Học lớp năm, tôi đã chơi măng- đô- lin, chơi ghi- ta thuần thục, đã được theo anh trai thách đấu cờ tướng với đàn anh học lớp trên, phân tích những bài nhạc thính phòng, ca hát, nhảy múa như dân biểu diễn chuyên nghiệp… Trong suốt quá trình rèn luyện đó, mỗi chúng tôi đều tự học được cách làm vừa lòng người khác, nhất là cách mua vui người đàn ông của mình trong tương lai để hi vọng có được một tấm chồng danh giá hết mực yêu thương.

Ngoài tất cả những điều cần phải học đó, chúng tôi còn được học cách để tự đương đầu với mọi khó khăn của cuộc sống để tồn tại.

Trong dáng dấp của một con bé quê mùa, đen nhẻm là cả một kho tàng kỹ năng được dành dụm cho những ước mơ của tương lai.

Rời trường làng, tất cả chúng tôi đều phải ra thành thị để học cấp ba.

Ngày đầu tiên đến trường để dự thi vào cấp ba, mọi thứ xung quanh tôi đều lạ lẫm. Nép mình bên một gốc cây cổ thụ, tôi quan sát kỹ đến từng chi tiết những gì diễn ra xung quanh: các nữ sinh thành thị mặc quần tây, áo bó sát người, tóc uốn thành từng lọn, thả dài trên lưng thon, những đôi dép sa- pô màu vàng nâu bước kiêu hãnh giữa sân trường… Tôi nhìn vội lại mình, dép nhựa mòn bên dưới chiếc quần đen nhăn nhúm được may bằng vải tám, tóc cột đuôi chồn cháy nắng lấp ló trong chiếc nón lá cũ mèm, sự khác biệt này khiến tôi thu mình sâu hơn vào gốc cây già, chỉ mong sao đừng có bất cứ ai trông thấy.

Một cô gái từ xa tiến đến bắt chuyện, cô ấy trông vẻ bên ngoài cũng giống như tôi, quê mùa, dân dã, nhưng có vẻ rất dạn dĩ. Chỉ tay về gốc cây phía trước, nơi một nam sinh đang lặng lẽ đứng một mình, cô ấy hỏi:

Biết người này không? Tôi chưa kịp nhìn, cô ấy đã nói tiếp

Đó là một nhân vật cực kỳ nổi tiếng ở chốn này, bồ nên nhìn để biết mặt.

Nổi tiếng gì vậy? Tôi tò mò hỏi, trong lòng hơi băn khoăn vì sao người nổi tiếng lại phải đứng một mình bơ vơ giống như tôi.

Học giỏi nhất, không có đối thủ, nhưng phải nghỉ học một năm ở nhà làm lụng vất vả để nuôi mẹ và các em.

Không kịp nói gì thêm, đã đến giờ tất cả chúng tôi phải tập trung trước cửa phòng thi. Người mà cô gái quê kia vừa nói đến được giám thị phân công nhiệm vụ lấy thông tin tất cả những thí sinh có mặt. Tôi ghi thông tin của mình lên giấy, cầm sẵn trên tay để nộp như mọi người. Nhìn thẳng về phía trước, chàng trai rảo bước thật nhanh từ đầu đến cuối từng hàng để nhận những phiếu đã điền thông tin. Sắp đến lượt mình, tôi thầm nghĩ: “Đây là cơ hội duy nhất để có thể nhìn tận mắt con người nổi tiếng kia”. Không hiểu ma quỉ nào xui khiến, khi đến trước mặt tôi, chàng trai dừng lại, cầm tờ giấy ghi thông tin của tôi đọc thật kỹ từng từ, nhìn thẳng vào tôi và buột miệng hỏi: “Học trường cấp 2 Hàm Thắng ư? Có biết anh Bá- Hiệu trưởng và Chị Năm- giáo viên dạy văn không?”. Tôi đứng lặng, điếng người vì bất ngờ, không nói nổi một lời, chỉ kịp nhìn thấy đôi mắt nâu, sâu thẳm phía dưới mái tóc xoăn mềm mại cho đến khi chàng trai bước đi.

Tôi thi đỗ vào lớp chuyên toán, học cùng với người nổi tiếng. Gái quê học lớp chuyên toán với chiếc nón lá trên đầu đã là đề tài của không biết bao nhiêu trò trêu ghẹo. Càng ngày tôi càng thu mình sâu hơn vào góc lớp. Không có nhà trọ, mỗi ngày tôi đạp xe ít nhất 15 km để đến trường và trở về nhà. Tan trường, những ngày gió thổi mạnh ở những khúc quanh co, hoang vắng, giữa nắng hè oi bức, bụng đói, không còn sức để đạp xe, mỗi chúng tôi cuốc bộ bên cạnh chiếc xe đạp của mình trên đường về nhà. Những lúc đó, tôi vẫn luôn nghĩ đến đôi mắt màu hạt dẻ, ấm áp, huyền bí mới đủ nghị lực để đạp xe đi về suốt ba năm học.

Người thành thị thích về quê thưởng ngoạn vào những ngày đầu xuân. Các bạn trong lớp tôi hứa sẽ về quê thăm tôi vào mồng ba tết. Không đi đâu cả, tôi loay hoay chuẩn bị một vài món tết ở quê để tiếp đãi mọi người từ chiều mồng hai: bánh tráng măng, bánh chưng, thịt kho tàu, bánh cốm… Các bạn tôi đã giữ lời, khoảng mười giờ sáng bọn họ đã có mặt. Đến nhà tôi còn có cả người nổi tiếng.

Các bạn tôi huyên thuyên với những câu chuyện của ngày tết, tôi dọn bàn ăn trong vườn bên hông nhà. Rôm rả một hồi lâu, chúng tôi mới bắt đầu bữa cơm trưa ngày tết ở quê. Bánh tráng cuốn măng là món đầu tiên tôi mời mọi người. Tôi giục mọi người ăn kẻo măng nguội. Ngồi đối diện với người nổi tiếng, tôi âm thầm quan sát chàng trai thật kỹ nhưng vẫn không gây sự chú ý của mọi người. Tay cầm bánh tráng, chàng vụng về bỏ từng miếng thịt và măng lên trên, mãi vẫn không làm sao cuộn tròn miếng bánh tráng lại được, khi cuộn lại được thì chiếc bánh tráng đã rách tả tơi, thịt và măng lòi cả ra bên ngoài...

Chứng kiến cảnh chàng trai cuốn bánh tráng từ đầu đến cuối, tôi thảng thốt: “Em yêu chàng, ước gì em có thể làm được bất cứ điều gì cho cuộc sống của chàng từ giờ cho đến mai sau, dù đó chỉ là những điều hết sức đơn giản như cuốn bánh tráng cho chàng trong những bữa ăn...”

Kỉ niệm đó suốt đời tôi không thể nào quên, cho dù tôi có đi đâu và đến bất cứ nơi nào.

Đã ba mươi ba năm trôi qua, tôi đã có hai thứ tóc ở trên đầu. Con vịt xấu xí quê mùa năm xưa đã trở thành con thiên nga xinh đẹp khi xuất hiện giữa chốn đông người. Thật lộng lẫy trên sân khấu, thật uyên bác trong diễn đàn hội thảo khoa học cấp quốc gia… con vịt xấu xí vẫn chỉ một ước mơ đơn giản là có thể làm được gì giúp chàng trong cuộc đời đầy những khó khăn, thử thách ở xung quanh.

Mặc dù có không ít kẻ ngưỡng mộ, gái quê vẫn mãi còn một cục quê to tướng ở trên lưng với nỗi nhớ về chiếc bánh tráng non dại của mối tình đầu, vẫn mãi là kẻ si tình, mơ mộng, ngu ngốc quê mùa năm xưa.

Minh Huyên

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...